Site banner

Quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả đặc sản giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

          1. Quyết định số: 1973/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt quy hoạch vùng phát triển cây ăn quả đặc sản an toàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020.

          2. Kế hoạch số: 1711/KH-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân huyện về tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.

          3. Kế hoạch số: 15/KH-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân xã Thực hiện tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.

          II. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

          1. Thực trạng diện tích bưởi da xanh trên địa bàn xã đến cuối năm 2014:

- Tổng diện tích bưởi da xanh là 51,3 ha, trong đó có 27,8ha trồng chuyên canh, còn lại là trồng xen canh, được phân bố như sau: ấp Bến Đò 14ha; ấp Cái Chốt 13,4ha; ấp Cái Tắc 14,5ha; ấp Nghĩa Huấn 9,4ha.

- Trong những năm qua nhiều mô hình trồng bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao không ngừng phát triển, đã góp phần cho tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt kế hoạch kinh tế xã hội hàng năm và của nhiệm kỳ 2010-2015. Tuy nhiên diện tích trồng chuyên canh không lớn, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nhất là chưa có mô hình mẫu đạt tiêu chuẩn và ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học.

          2. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch:

          - Việc xây dựng kế hoạch phát triển vùng cây ăn trái đặc sản bưởi da xanh theo quy hoạch của tỉnh là một trong những nội dung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

          - Nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được xác định là cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, kế thừa phát huy kinh nghiệm, sáng tạo của người nông dân sản xuất giỏi nhằm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

          III. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH:

          1. Mục tiêu chung:

          Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản  tập trung, chuyên canh nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế, tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của xã.

          2. Mục tiêu cụ thể:

          - Đến năm 2020: tổng diện tích bưởi da xanh trên địa bàn xã là 90 ha, trong đó có 50 ha diện tích trồng chuyên canh, được phân bổ như sau: ấp Bến Đò 25 ha (15ha trồng chuyên canh); ấp Cái Chốt 30ha (15ha trồng chuyên canh); ấp Cái Tắc 25 ha (15 ha trồng chuyên canh); ấp Nghĩa Huấn 10ha (5ha trồng chuyên canh), sản lượng quả đạt 630 tấn.

          - Đến năm 2025: tổng diện tích bưởi da xanh trên địa bàn xã là 120ha, trong đó ổn định diện tích trồng chuyên canh là 50ha, còn 70 ha được trồng xen canh, được phẩn bổ như sau: ấp Bến Đò 35ha; ấp Cái Chốt 35ha; ấp Cái Tắc 35ha, ấp Nghĩa Huấn 15ha, sản lượng quả đạt 960 tấn.

          IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

          1. Về công tác tuyên truyền:

          - Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, trong đó Hội nông dân đóng vai trò quyết định trong  thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng  phát triển vùng cây ăn quả đặc sản của tỉnh theo hướng tập trung, chất lượng, hiệu quả, an toàn sinh học và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.

          - Vận động thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức tham quan các mô hình trồng đạt chuẩn theo hướng GAP nhằm học tập rút kinh nghiệm và vận dụng phát triển tại địa phương.

          2. Về chuyển giao khoa học kỹ thuật:

          Phối hợp với trạm khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đảm bảo 100% nông dân am hiểu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc.

          3. Về quy hoạch:

          Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế, đối với diện tích vườn dừa kém hiệu quả, diện tích nhỏ cần vận động chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh kết hợp trồng cỏ chăn nuôi dê, bò.

          V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

          Giao Cán bộ phụ trách nông nghiệp chủ trì phối hợp với Công chức Văn phòng-Thống kê phục trách kinh tế-kế hoạch và Hội nông dân triển khai thực hiện kế hoạch này, định kỳ quý, năm báo cáo Ủy ban nhân dân xã theo dõi chỉ đạo.

          Trên đây là Kế hoạch phát triển vùng cây ăn quả đặc sản trên địa bàn xã Mỹ Thạnh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025.

Tin khác