Site banner

Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác chăn nuôi dê ấp Bến Đò xã Mỹ Thạnh

Hiện nay, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm có nhiều hộ nông dân áp dụng mô hình nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi năm giúp cho hộ dân thu lãi trên 50 triệu đồng. Đây là mô hình phù hợp cho hộ nghèo, ít đất sản xuất. Hộ ông Nguyễn Văn Tây, ấp Bến Đò có vỏn vẹn 1 công đất vườn nên khó phát triển kinh tế vườn. Do đó ông chọn cách nuôi dê để tăng thu nhập. Năm 2013 gia đình ông Tây tích góp được 5 triệu đồng mua 2 con dê nái về nuôi. Đến nay đàn dê có đến 13 con, chưa kể hàng năm ông đều xuất bán từ 4 đến 5 con dê thịt. Ông Nguyễn Văn Tây – ấp Bến Đò nói: “Hiện giờ chuồng dê của gia đình tôi có 6 con nái. Thức ăn cho dê là các loại cây cỏ như cỏ xạ, su đũa, gòn. Hằng năm thu nhập khoảng 50 đến 60 chục triệu đồng từ đàn dê. Khâu chăm sóc dê dễ hơn các loại vật nuôi khác, chỉ tốn công chăm sóc”. Kinh nghiệm của người dân địa phương cho biết, dê rất dễ nuôi, ít nhiễm bệnh và phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng. Dê nuôi ở diện tích càng rộng thì dê nhanh phát triển, đối với việc làm chuồng phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt.  Dê cũng là loại sinh sản khá nhanh, chỉ cần 4 đến 5 tháng dê có thể sinh sản, giá dê cũng ổn định. Đối với dê giống có giá 3 triệu đồng/con, dê thịt từ 95 -100.000 đồng/kg. Cũng nhờ mô hình nuôi dê mà nhiều hộ gia đình tại ấp Bến Đò đã có của để dành để xây dựng nhà cửa khang trang, cải thiện đời sống. Hộ ông Nguyễn Văn Yên và bà Lưu Thị Khánh Hồng bắt đầu nuôi dê từ năm 2013, do bà con cho mượn con dê nái. Sau vài năm đàn dê phát triển lên 7 con, gia đình bán xuất bán hơn nửa số dê được gần 15 triệu đồng. Cùng với số tiền dành dụm và con cái hỗ trợ, ông bà đã xây dựng được căn nhà mới.  Từ mô hình nuôi dê của các hộ dân trong ấp, cuối năm 2016 UBND xã Mỹ Thạnh thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê ấp Bến Đò với 17 hộ tham gia và tổng đàn hơn 110 con, trung bình mỗi thành viên nuôi khoảng 7 đến 10 con. Mục tiêu của Tổ hợp tác là nhân rộng mô hình, giúp các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong ấp có điều kiện tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông Võ Thành Nhân – Trưởng ấp Bến Đò cho biết: “Tổ hợp tác nuôi dê ở ấp Bến Đò thành lập cho đến nay hơn 3 tháng, tổ đã đi vào hoạt động mạnh. Đại đa số thành viên trong tổ hợp tác đều xây dựng chuồng trại cho dê, nuôi dê thịt, dê nái, dê con. Mỗi hộ trung bình đạt từ 2 – 3 con dê nái và 5 – 6 con dê thịt. Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, các thành viên trong tổ hợp tác hướng đến việc xây dụng chuồng trại đúng kỹ thuật như đổ bê tông kiên cố, tráng nền. Từ đó giúp kinh tế địa phương và xã nhà ngày càng phát triển, các hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, chung tay xây dựng thành công xã nông thôn mới”. Ấp Bến Đò hiện còn đến 30 hộ nghèo, nếu duy trì nghề nuôi dê này sẽ giúp hộ nghèo phát triển kinh tế ổn định, tiến đến mục tiêu xoá nghèo bền vững cho địa phương. Mô hình nuôi dê cho hiệu quả khá cao và rất có triển vọng. Do đó UBND xã cần phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc đàn dê cũng như giới thiệu Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vốn ưu đãi để tiếp tục nhân rộng mô hình cho người dân trong tổ hợp tác và các hộ dân, đồng thời giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm để giúp mô hình phát triển bền vững./.

Tin khác