Site banner

Lịch sử hình thành và phát triển Làng nghề Kềm Mỹ Lồng

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

LÀNG NGHỀ KỀM MỸ LỒNG

 

Làng nghề kềm bắt đầu được hình thành vào năm 1980, cách nay hơn 33 năm trên cơ sở mẫu kềm của Đức và Pháp. Có thể nói người có công trong việc hình thành và phát triển làng nghề  kềm kéo Mỹ Lồng là ông Võ Văn Bảo, sinh năm 1925, quê quán ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và ông Nguyễn Thanh Liêm là rễ con người thứ 6 của ông Võ Văn Bảo. Hiện nay một số Công ty kềm ở Thành Phố Hồ Chí Minh như kềm nghĩa gọi ông tư Bảo là ông tổ của nghề kềm. Ông Bảo có người em ruột tên Võ Văn Ban (Năm Ban) chuyên nghề mài kềm cho một cửa hàng bán mỹ phẩm, làm móng tay tại Sài Gòn. Khoảng năm 1970, ông năm Ban đề nghị ông Bảo chuyển qua nghề làm kềm để tăng thu nhập. Năm 1974, ông Bảo chuyển sang làm nghề kềm theo đề nghị của người em. Ban đầu, ông tìm miểng bom (chất liệu thép) đem về rèn (theo cách nung than) rồi gia công (cắt, mài, dũa, đục lỗ) để làm nên chiếc kềm đầu tiên. Cách làm này phải tốn nhiều công sức, chi phí cao. Không nản chí, ông tìm tòi học hỏi và làm nên chiếc kềm bằng sắt phế thải (nguyên liệu nhập, có pha thép) vào năm 1980, giai đoạn đầu nghiên cứu và làm cây kềm chỉ có 6 người, sản phẩm chủ yếu là kềm thô, thị trường bán là ở chợ Bàn Cờ TP.HCM, với giá 32đồng/cây, số lượng sản xuất khoảng 20.000cây/tháng. Sau đó, sản phẩm của ông Bảo xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường TP. Hồ Chí Minh (thông qua ông Năm Ban). Tuy nhiên trong giai đoạn này cây kềm chưa thật sự phát triển mạnh, số người làm ra cây kềm chủ yếu là gia đình của ông 4 Bảo. Bởi vì điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển mạnh, cây kềm chưa đạt độ tinh xảo và chủ yếu là cung cấp sản phẩm trong nước, chưa xuất khẩu ra nước ngoài.

Đến năm 1984 qua sự nghiên cứu, ông Nguyễn Thanh Liêm bắt đầu sản xuất ra được cây kềm thành phẩm và bán ra thị trường ở TP.HCM, các tỉnh như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang…, từ năm 1984 đến 1990 có khoảng 50 cơ sở sản xuất, gia công kềm.

Do cây kềm là một sản phẩm ít người sản xuất và được người tiêu dùng ưa chuộng từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và có tiềm năng phát triển lớn. Một số thương nhân ở các nơi muốn tìm hiểu để sản xuất cây kềm. Trong đó tiêu biểu nhất là ông Nguyễn Minh Tuấn, hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kềm Nghĩa đã đầu tư nghiên cứu phát triển cây kìm bắt đầu từ những năm 1993 do các thợ lành nghề ở làng nghề kềm Mỹ Thạnh hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật. Đến năm 1995 -2005 đây là giai đoạn đánh dấu bước ngoặc phát triển mạnh mẽ của cây kềm trở về sau này với khoảng 76 cơ sở sản xuất, gia công, sản lượng sản xuất ngày càng nhiều để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu cho nước ngoài của Công ty kềm nghĩa từ đó nhu cầu về gia công kềm là rất lớn vì vậy số người lao động cũng được tăng lên khoảng 800 người.

Do tiềm năng của cây kềm rất lớn, để thúc đầy và tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, đủ sức cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa nên năm 1997 Hợp tác xã kềm được thành lập để dẫn dắt làng nghề phát triển, tuy nhiên quá trình hoạt động không hiệu quả đến năm 2005 giải thể.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh về chính sách phát triển các làng nghề truyền thống, nhằm cải tiến kỷ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao mức sống của người lao động sản xuất. Ngày 01 tháng 4 năm 2008 được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre công nhận làng nghề tuyền thống sản xuất kềm xã Mỹ Thạnh.