Site banner

Kỷ niệm 149 năm ngày mất lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng

Ngày 30/06/2015 nhằm ngày 15/05 năm Ất Mùi, Đảng uỷ – HĐND – UBND – UBMTTQ xã Mỹ Thạnh long trọng tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 149 năm ngày mất Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng. Đến dự có đại biểu ban quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Tỉnh Bến, các ngành đoàn thể huyện và xã Mỹ Thạnh, cùng hơn 150 đại biểu quần chúng nhân dân tham dự. Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng sinh năm 1798 mất năm 1866 là một trong những lá cờ đầu của phong trào kháng Pháp quê quán thôn Lương Thạnh, Huyện Bảo Hựu, Trấn Vĩnh Thanh (năm 1837 Trấn Vĩnh Thanh đổi lại thành Tỉnh Vĩnh Long, đến khi Pháp chiếm đóng, họ đổi Phủ Hoàng Trị của Vĩnh Long thành Tỉnh Bến Tre), nay là xã Mỹ Thạnh, Huyện Giồng Trôm Tỉnh Bến Tre. Trong một gia đình nông dân. Cha tên Nguyễn Công, mẹ Trần Thị Kiêm. Ông là anh cả của 03 anh em, vốn thông minh từ nhỏ, thời niên thiếu ngoài học chữ nho của thầy đồ trong làng ông cùng bạn bè đến các “ lò võ” quanh vùng luyện tập võ nghệ. Lớn lên ông đăng lính của triều đình dưới thời Thiệu Trị và đến năm 1848 (Tự Đức nguyên niên) thì được thăng chức tổng binh.

(Đại biểu viếng mộ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng)

Năm 1859, quân pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Ngọc Thăng đem binh đến cứu viện, nhưng chưa đến nơi thì thành Gia Định thất thủ (10 giờ sáng ngày 17/02/1859 ). Hộ đốc trấn giữ thành là Võ Duy Ninh phải tự tử. Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng được lệnh trấn giữ đồn Cây Mai. Tại dây ông tổ chức lại cuộc phòng thủ để đối phó sự tấn công của địch. Nhưng do lượng quá chênh lệch, sau một thời gian cầm cự, ông phải bỏ đồn rút quân về Gò Công.

(Đại biểu thấp nhang tại Đền thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng)

Ngày 27/06/1866, trong một trận giao chiến với Pháp, ông bị trúng đạn, tử thương, thi hài ông được chở bằng ghe về nơi quê hương tại Mỹ Lồng và quàn tại đình làng cạnh mé sông để dân chúng trong vùng đến phúng điếu. Mộ ông chôn tại một con sông nhỏ ở Mỹ Lồng thuộc làng Mỹ Thạnh. Sau khi ông mất vua Tự Đức có phong sắc, áo, mão và một thanh gươm. Do chiến tranh những di vật này đặt tại ngôi miếu thờ ở ấp Giồng Keo bị hư hỏng và thất lạc. Thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của địa phương, lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng đã nêu một gương sáng trong nhân dân, ở thành phố Hồ Chí Minh có đường Lãnh Binh Thăng.Lễ giổ của ông hàng năm được Đảng uỷ- Chính quyền và nhân dân trong xã tổ chức long trọng và trang nghiêm nhằm tưởng nhớ công lao người anh hùng của quê hương giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ sau này./.

 

 

                                                                                      Thúy Hằng

 

Tin khác