Site banner

Bài 7: NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ TU DƯỠNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Đã tiếp thu, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng không phải ai cũng thực hiện được. Theo Bác Hồ, thì chỉ có những người có cái tâm trong sáng mới đủ bản lĩnh và năng lực lãnh hội được những chuẩn mực của đạo đức cách mạng. Và, khi đạo đức cách mạng đã vững rồi thì “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”. Đây cũng là phẩm chất của người đảng viên cộng sản. Đức tính trên cũng được coi là khí phách của đấng trượng phu của thời phong kiến. Nhưng với người cán bộ cách mạngm, đạo đức cách mạng dù bất luận hoàn cảnh nào đều phải giữ mình; trước sự giàu sang không thể làm cho mình thèm muốn, sự nghèo khó cũng không thể làm cho mình lay chuyển, nao núng; uy quyền, võ lực, hay dù phải đứng trước cái chết cũng không thể làm cho mình khuất phục, đầu hàng.

Chúng ta biết rằng, học trên sách vở thì rất dễ, nhưng việc lãnh hội, rèn luyện và thực hành là cực kỳ khó. Cho nên, muốn có được đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau:

Nói đi đôi với làm, nêu gương tốt, làm việc tốt.

Nói đi đôi với làm, nêu gương tốt làm việc tốt. Đây không chỉ là nguyên tắc rèn luyện mà còn là sự phân biệt giữa đạo đức cách mạng và phi đạo đức cách mạng. Chúng ta biết, nói mà không làm là đặc tính của giai cấp bóc lột, cho nên, lời nói phải đi đôi với việc làm và phải thực hiện việc làm gương - đó là đạo đức của người cách mạng. Bác từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền", "trước mắt quần chúng, không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà ta được họ yêu quý. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức". Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã..” Cho nên, đảng viên phải làm gương mọi mặt cho quần chúng noi theo. Thực hiện đúng lời dạy của Bác “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Việc làm gương phải thực hiện ở mọi nơi, mọi việc, phải quán triệt trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị, từ cán bộ cấp Trung ương đến tận cơ sở.

Bác Hồ kính yêu là tấm gương nói đi đôi với làm. Cho nên, ở Người có sức thuyết phục lớn, có một sức hút mãnh liệt làm cho cả dân tộc, các giai tầng xã hội, các thế hệ người Việt Nam đều tin tưởng, kính phục, yêu quý và đi theo lời kêu gọi của Người. Các vị lãnh tụ cộng sản và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới cũng kính yêu Người.

Xây đi đôi với chống.

Nghĩa là đồng thời với việc giáo dục, xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng phải đi đôi với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống những hành vi phi đạo đức.

Việc xây dựng đạo đức cách mạng không phải dễ dàng, bởi ai lại không thích quyền lực, ai thấy vàng, tiền bạc, nhà cao cửa rộng lại không ham, cho nên đấu tranh để thắng những ham muốn của bản thân mình là một cuộc đấu tranh gay go và phức tạp. Nhưng nếu chúng ta kiên quyết thì sẽ thành công. Hơn nữa, trong Đảng, trong mỗi con người vì những lý do khác nhau, nên không phải mọi người đều tốt. Bác Hồ chỉ rõ những kẻ địch cần chống trước hết là chống thói quen và truyền thống lạc hậu; và đặc bịêt là chống chủ nghĩa cá nhân đang ẩn chứa trong mỗi con người, khi có điều kiện tác động nó sẽ phát triển. Cho nên, Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên "trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình". Và phải phê phán đấu tranh loại bỏ hàng trăm thứ bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra vì nó là vật cản nguy hiểm cho việc xây dựng đạo đức cách mạng. Cho nên, chúng ta chống là nhằm để xây dựng, đi liền với xây và lấy xây làm chính, lấy gương tốt để giáo dục và xây dựng đạo đức cách mạng cho mỗi người và đạo đức trong Đảng.

Tu dưỡng bền bỉ suốt đời.

Bác đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do quá trình đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Việc tu dưỡng đạo đức cách mạng phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và sự đóng góp xây dựng của tập thể của quần chúng. Người khẳng định, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Nhưng tốt, xấu, hiền, dữ, thiện, ác đều lệ thuộc vào sự giáo dục và rèn luyện mà nên. Cho nên, vấn đề là chúng ta phải biết và dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật bản thân con người mình và dựa vào tập thể để thấy cái tốt, cái hay để phát huy, cái xấu, cái ác để khắc phục. Đã là con người thì khó tránh khỏi vấp phải khuyết điểm, sai lầm. Vấn đề là phải dũng cảm nhìn nhận sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục. Và, việc tu dưỡng đạo đức cách mạng phải gắn liền với thực tiễn hoạt động cách mạng, phải bền bỉ, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Bác đã viết “tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lên lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ. Vì vậy gột rửa chủ nghĩa cá nhân ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày".

Cho nên, xây dựng, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân là phải được tiến hành đồng thời, thường xuyên, bền bỉ, suốt đời trong quá trình hoạt động cách mạng.

Trên đây là 3 nguyên tắc cơ bản rèn luyện đạo đức của cá nhân để trở thành người có đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên nếu thực tâm làm theo lời Bác thì sẽ hoàn toàn thực hiện được. Vì những điều Bác dạy, không phải chỉ có vĩ nhân hay lãnh tụ mới thực hiện được, mà mọi người đều thực hiện được vì đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống của mỗi người.

Nguồn cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre

Tin khác