Site banner

Khai mạc Lễ Hội dừa Bến Tre lần thứ IV năm 2015

Tối 7/4/2015, tại Sân vận động tỉnh Bến Tre đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ IV năm 2015. Đến dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành; đại diện Đại sứ quán các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ. Về phía tỉnh Bến Tre có đồng chí Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cán bộ lão thành cách mạng, quý Mẹ Việt Nam anh hùng, cùng khoảng 6.000 đại biểu, nông dân trồng dừa, quý quan khách.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Dừa. (Ảnh: Hữu Hiệp)

Mở đầu chương trình khai mạc Lễ hội Dừa, đồng chí Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ IV năm 2015 đọc diễn văn khai mạc. Đồng chí nhấn mạnh: Bến Tre được cả nước biết đến không chỉ là quê hương Đồng Khởi mà còn là xứ sở của cây dừa. Cây dừa từ lâu đời đã được trồng bạt ngàn khắp nơi trên 3 dãy cù lao, từ vùng nước ngọt đầu nguồn Chợ Lách đến các vùng nước lợ ven biển. Lịch sử ghi nhận từ cuối thế kỷ XIX, Bến Tre đã có trên 4.000 ha dừa, đến năm 1930 tăng lên 6.000 ha, năm 1945 là 21.000 ha. Trong kháng chiến chống Mỹ, do bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên chỉ còn không đầy 16.000ha. Sau giải phóng, cây dừa tiếp tục hồi sinh. Hiện toàn tỉnh có trên 63.000 ha, thu hoạch hàng năm trên 500 triệu trái. Trong đó, xuất khẩu hàng năm 200 triệu USD, đứng đầu cả nước về dừa.

Đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ  tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc lễ hội dừa

Với sự cần cù và khéo léo của người dân, hiện tỉnh đã sản xuất, chế biến được 30 mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm và hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Cây dừa không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn là văn hóa, là tâm hồn, là cốt cách của người Bến Tre từ xưa đến nay. Phát huy thành công của nhiều lễ hội trước, Lễ hội lần này có sự tham gia của các tỉnh, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa trong nước và cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương nhằm quảng bá mạnh mẽ hơn về sản phẩm sau dừa. Tiếp tục khẳng định giá trị cây dừa, tôn vinh những người nông dân bao đời thủy chung với cây dừa, tôn vinh những nhà khoa học, doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp cho ngành dừa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo lễ hội dừa

Thông qua Hiệp hội Dừa của quốc gia và các tỉnh, gắn kết các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành dừa của Việt Nam với việc đầu tư khoa học công nghệ, tạo sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường ổn định để cây dừa và sản phẩm từ dừa phát triển bền vững. Lễ hội Dừa cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre đến với bè bạn gần xa, thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch. Với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, hấp dẫn, hy vọng Lễ hội Dừa sẽ giúp du khách, bạn bè hiểu rõ hơn về chuỗi giá trị của cây Dừa trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia và cây dừa trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Để từ đó chúng ta chung vai, góp sức làm cho vị trí, giá trị cây dừa ngày một nâng cao, để trong tương lai người trồng dừa, doanh nghiệp chế biến dừa ngày càng cải thiện thu nhập và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Phát biểu chỉ đạo lễ hội, đồng chí Nguyên Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Nhắc đến dừa, người Việt Nam thường nghĩ đến Bến Tre, vùng đất có diện tích trồng dừa nhiều nhất cả nước, do đó Bến Tre còn được gọi với cái tên thân thương, chân chất là Xứ Dừa. Phó Thủ tướng cho biết: “Toàn quốc hiện có hơn 150.000 ha dừa, cho thu hoạch hơn 1 tỷ trái, đứng thứ 8 trong 93 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Bến Tre chiếm diện tích trồng dừa và sản lượng dừa nhiều nhất nước. Sản phẩm dừa Việt Nam có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cây dừa hiện hữu và đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam ở các vùng ven biển miền Trung, và nhất là khu vực ĐBSCL. Toàn bộ cây dừa được tận dụng phục vụ cuộc sống con người, từ chế biến thức ăn, thức uống đến các sản phẩm dùng trong công nghiệp, mỹ phẩm, y học, thủ công mỹ nghệ đến vật dụng trong nhà ở, công cụ sinh hoạt hàng ngày.

Ở Bến Tre dừa trở nên thân quen, không chỉ mang yếu tố kinh tế mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa. Dừa cũng đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Dừa không chỉ là biểu tượng của sức mạnh quần chúng trong cách mạng, như ngọn đuốc lá dừa của phong trào Đồng Khởi năm xưa, mà nó còn là hình bóng quê nhà in đậm trong tâm thức của mỗi người dân Bến Tre hiền hòa, mến khách, nghĩa tình và chung thủy. Bến Tre và các tỉnh có nhiều dừa, có thế mạnh về dừa, Chính phủ đề nghị cần quan tâm và đi đầu trong việc quy hoạch phát triển vườn dừa ở những vùng đất phù hợp, đầu tư nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng về giống, chế biến với tinh thần phát triển trồng dừa không chỉ là lợi ích kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới mà cây Dừa còn là cây của môi trường, có khả năng thích ứng cao với sự biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Căn cứ vào nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, các tỉnh trồng dừa cần đa dạng hóa sản phẩm từ dừa, tập trung đầu tư mới, cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng hiện đại, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đồng thời chú trọng phát triển làng nghề, cơ sở thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thị trường ổn định, bền vững. Doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh trồng dừa nói chung, Bến Tre nói riêng phát triển cây dừa, giúp người trồng dừa có cuộc sống tốt hơn.

Thông qua Hiệp hội Dừa, các tỉnh cần trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm để cây dừa và những sản phẩm từ dừa phát triển ổn định. Chính phủ đề nghị Hiệp hội Dừa, các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ cho ngành dừa phát triển, nhất là trong nghiên cứu khoa học, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho cây dừa, ngành dừa phát triển bền vững. Chính phủ tin tưởng với sự nỗ lực của các cấp ngành, các tỉnh trồng dừa, ngành dừa Việt Nam sẽ phát triển, khởi sắc hơn, thu nhập của người tham gia vào chuỗi giá trị cây dừa ngày một cao hơn”. Sau phần lễ, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật tổng hợp chào mừng Lễ hội Dừa với chủ đề Cây dừa đặc trưng của vùng đất Bến Tre; Dừa - thế mạnh của nền kinh tế Bến Tre; Tôn vinh vẻ đẹp của người trồng dừa, tham gia phát triển ngành dừa; Dừa - cây dừa Việt Nam hội nhập và phát triển.

Nguồn TTTTĐT

Tin khác