Từ ngày 01/7/2016, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực. Đây là thời điểm đánh dấu lần đầu tiên luật hóa quy định về phương thức quản lý mới trên biển là quản lý tổng hợp và được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trong sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường biển, đảo.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 10 chương, 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định nhiều nội dung, nguyên tắc mới, quan trọng lần đầu tiên được quy định trong pháp luật Việt Nam, như nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển. Luật cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm và quy định cụ thể trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo.
Điểm mới cơ bản của Luật là tập trung quy định về các cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, bao gồm các chiến lược, quy hoạch, chương trình, hệ thống thông tin, dữ liệu mà không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể. Phương thức quản lý tổng hợp sẽ giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo.
Chính vì vậy, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không chồng chéo với các luật chuyên ngành. Thực thi phương thức quản lý tổng hợp, tài nguyên biển và hải đảo sẽ được quản lý thống nhất theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình thực thi quản lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ra đời nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước hoàn thiện pháp luật để quản lý tài nguyên biển và hải đảo bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển. Đồng thời là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.