Đây là cách nói ví von cho tinh thần phản biện của cán bộ, đảng viên của Đảng.
Phản biện là một trong những biện pháp được Đảng ta khuyến khích nhằm mở rộng dân chủ, hiến kế xây dựng chủ trương, đường lối lãnh đạo. Để phản biện thực sự trở thành động lực, nhân tố thúc đẩy phát triển thì mọi ý kiến phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung. Việc tiếp thu, ứng xử với các ý kiến phản biện của tổ chức đảng các cấp phải thể hiện tính khoa học, xứng tầm...Có một thời kỳ “gió thổi xuôi chiều” hay “gió chiều nào che chiều ấy” trở thành cách ứng xử ở nhiều cơ quan, đơn vị. Câu cửa miệng, trong cơ quan có hai điều phải nhớ: Điều 1, lãnh đạo luôn luôn đúng; điều 2, nếu lãnh đạo sai thì xem lại điều 1... đã gây ra nhiều tác hại, khiến “tâm phản biện” biến mất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nếu cấp trên sáng suốt thì tổ chức được nhờ và ngược lại, cấp trên sai thì hậu quả để lại có nhiều bài học cho sự im lặng của chúng ta.
Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, cũng phải nói rằng: Có một bộ phận cán bộ, đảng viên không dám phản biện vì sợ cấp trên trù dập, gây khó dễ nên đành “ngoảnh mặt làm ngơ”. Có một bộ phận lãnh đạo chủ chốt không có tâm lắng nghe phản biện. Trong các buổi sinh hoạt, thảo luận đứng phát biểu, miệng vẫn nói dân chủ, khuyến khích mọi người nói thẳng, nói thật, nói hết những hạn chế, khuyết điểm, thậm chí chỉ tập trung nói khuyết điểm nhưng khi có ai đó vạch ra những sai trái của mình thì mặt như bốc hỏa, “ánh mắt hình viên đạn”. Từ đó, sinh ra một bộ phận cán bộ, đảng viên cơ hội, nịnh hót, luôn đón ý lãnh đạo để tán tụng cả những ý kiến sai trái. Có một bộ phận thì lợi dụng dân chủ, không có tâm phản biện, đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khoa học, chê bai lãnh đạo, nói xấu cấp trên, gây mất đoàn kết nội bộ.Thực tiễn cách mạng chỉ ra, trong không khí dân chủ cởi mở, nhiều người đã có tâm phản biện, dám “đi ngược chiều gió”, nói ngược ý của lãnh đạo nhưng động cơ là vì lợi ích chung. Điều may mắn là phần lớn người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã chân thành lắng nghe phản biện của cấp dưới với thái độ cầu thị trên cơ sở đánh giá khách quan, khoa học. Để Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII sớm đi vào thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn có tâm phản biện trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không lợi dụng dân chủ để hạ bệ uy tín, cá nhân của ai đó, gây mất đoàn kết nội bộ; người lãnh đạo các cấp cần có tâm lắng nghe phản biện; khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, từ đó suy xét, đánh giá nhiều chiều để cùng với tập thể đưa ra những chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, biết tránh xa những lời đường mật, tung hô, tán tụng.